Công ty luật TNHH Hà Đô

ĐIỀU KIỆN, THỦ TỤC CHUYỂN ĐỔI THÀNH DOANH NGHIỆP CHẾ XUẤT

Câu hỏi:

Chúng tôi là doanh nghiệp FDI, đang hoạt động và có trụ sở trong khu công nghiệp. Hiện tại, doanh nghiệp không hưởng chính sách doanh nghiệp chế xuất nên có nhu cầu chuyển đổi sang doanh nghiệp chế xuất để được hưởng các ưu đãi về thuế. Vậy doanh nghiệp của chúng tôi cần phải làm như thế nào và phải đáp ứng được những điều kiện gì thưa luật sư?

Luật sư tư vấn:

Dựa trên các thông tin bạn cung cấp, Luật Hà Đô thông tin đến bạn các căn cứ pháp lý, điều kiện và thủ tục chuyển đổi từ doanh nghiệp không hưởng chính sách doanh nghiệp chế xuất sang doanh nghiệp chế xuất (DNCX) như sau:

1.      Cơ sở pháp lý

- Luật đầu tư 2014;

- Nghị định 118/2015/NĐ-CP hướng dẫn luật đầu tư;

- Nghị định 82/2018/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế;

- Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính;

- Thông tư 39/2018/TT-BTC sửa đổi Thông tư 38/2015/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính;

- Công văn 3778/TCHQ-GSQL ngày 09/06/2020 về điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan khi thành lập doanh nghiệp chế xuất.

2.      Điều kiện chuyển đổi thành doanh nghiệp chế xuất (DNCX)

Để thực hiện việc chuyển đổi từ doanh nghiệp không hưởng chính sách doanh nghiệp chế xuất thành doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp của bạn cần phải đáp ứng những điều kiện cụ thể như sau:

Thứ nhất, phải là doanh nghiệp chuyên sản xuất sản phẩm để xuất khẩu hoạt động trong khu công nghiệp, khu kinh tế (Khoản 10 Điều 2 Nghị định 82/2018/NĐ-CP).

Thứ hai, phải được ngăn cách với khu vực bên ngoài theo các quy định áp dụng đối với khu phi thuế quan tại pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (Khoản 10 Điều 2 Nghị định 82/2018/NĐ-CP).

Theo hướng dẫn của Tổng cục Hải quan (Công văn 3778/TCHQ-GSQL ngày 09/06/2020), để trở thành DNCX, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện về cơ sở hạ tầng như sau:

- Tường rào cứng bao quanh, ngăn cách với khu vực bên ngoài.

- Hệ thống ca-mê-ra giám sát hiển thị rõ hình ảnh hàng hóa đi vào, đi ra doanh nghiệp. Hình ảnh quan sát được vào tất cả các thời điểm trong ngày (24/24 giờ) và dữ liệu về hình ảnh ca-mê-ra được kết nối trực tiếp với cơ quan hải quan quản lý.

- Hệ thống quản lý nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu có thể kết xuất được số liệu nhập – xuất – tồn nguyên liệu, vật tư và sản phẩm để báo cáo quyết toán tình hình sử dụng với cơ quan hải quan.

Thứ ba, doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế, hải quan trước khi chuyển đổi (Khoản 2 Điều 78 Thông tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi bởi Khoản 54 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC), bao gồm:

- Báo cáo số lượng nguyên liệu, vật tư còn tồn kho; cơ quan hải quan kiểm tra nguyên liệu, vật tư còn tồn kho và xử lý thuế theo quy định;

- Trước khi chuyển đổi, doanh nghiệp có trách nhiệm nộp đầy đủ các khoản nợ thuế, nợ phạt còn tồn đọng cho cơ quan hải quan. Cơ quan hải quan chỉ áp dụng chính sách thuế, hải quan đối với DNCX sau khi doanh nghiệp đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế, hải quan với cơ quan hải quan và được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận là DNCX. Trường hợp nguyên liệu, vật tư, máy móc thiết bị nhập khẩu để gia công cho thương nhân nước ngoài hoặc nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất sản phẩm xuất khẩu nếu sau khi chuyển đổi sang DNCX vẫn tiếp tục thực hiện việc sản xuất và xuất khẩu sản phẩm thì không phải thực hiện việc kê khai, nộp thuế với cơ quan hải quan.

Các điều kiện trên phải được doanh nghiệp đảm bảo đáp ứng được trước khi thực hiện thủ tục chuyển đổi thành DNCX.

3.      Thủ tục chuyển đổi thành doanh nghiệp chế xuất

Để thực hiện việc chuyển đổi thành DNCX, doanh nghiệp cần thực hiện việc điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, cụ thể:

* Thành phần hồ sơ (Khoản 2 Điều 40 Luật Đầu tư 2014; Khoản 2 Điều 33 Nghị định 118/2015/NĐ-CP)

- Văn bản đề nghị điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;

- Bản sao chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;

- Báo cáo tình hình triển khai dự án đầu tư đến thời điểm đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư;

- Quyết định về việc điều chỉnh dự án đầu tư của nhà đầu tư;

- Các tài liệu khác trong trường hợp Cơ quan đăng ký đầu tư có yêu cầu như: Báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; Bản sao thỏa thuận thuê địa điểm hoặc tài liệu khác xác nhận nhà đầu tư có quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư; Báo cáo đánh giá tác động môi trường; Giấy phép phòng cháy chữa cháy.

* Trình tự thực hiện (Điều 40 Luật Đầu tư 2014; Điều 33 Nghị định 118/2015/NĐ-CP)

- B1: Doanh nghiệp nộp hồ sơ tới Ban quản lý khu công nghiệp.

- B2: Ban quản lý khu công nghiệp xem xét hồ sơ, gửi văn bản lấy ý kiến của cơ quan hải quan nơi có trụ sở của doanh nghiệp.

- B3: Ban quản lý khu công nghiệp cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới hoặc có văn bản trả lời nếu từ chối.

* Thời hạn giải quyết: 10 ngày làm việc từ ngày hồ sơ được coi là hợp lệ.

* Lưu ý, trong trường hợp điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dẫn đến những thay đổi về nội dung đăng ký doanh nghiệp thì doanh nghiệp cần phải thực hiện thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp đến Cơ quan đăng ký kinh doanh theo quy định.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Hà Đô đối với câu hỏi của bạn. Các văn bản được tham chiếu là các văn bản có hiệu lực tại thời điểm tư vấn, vui lòng kiểm tra lại hiệu lực văn bản khi tham khảo bài viết. Trong trường hợp còn thắc mắc hoặc có nhu cầu sử dụng dịch vụ tư vấn đầu tư, tư vấn đăng ký kinh doanh, Quý Khách hàng vui lòng liên hệ tổng đài 1900 6280 hoặc gửi về hòm thư infor@hado-law.com để được hướng dẫn chi tiết và sử dụng dịch vụ./.

Bạn có biết: Quy trình thay đổi giấy chứng nhận đầu tư

author

Về tác giả: Lê Minh Tuấn

Luật sư, Giám đốc / Lawyer, Director

Tư vấn thương mại quốc tế / International Trade Consultant

Điện thoại: (024) 730 86 999 / Mobi: 090 45 45 299

Email: infor@hado-law.com / Email: infor.ssv@gmail.com 

Đánh giá 9.8 / 10 bởi hơn 200 khách hàng lớn tại Việt Nam