Theo quy định tại khoản 1, điều 623, Bộ luật dân sự: “Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định”.
Để xác định nguồn nguy hiểm cao độ cần phải căn cứ vào văn bản quy phạm pháp luật hoặc quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về lĩnh vực cụ thể đó.
Ví dụ: Để xác định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thì phải căn cứ vào Luật GTĐB. Theo quy định tại điểm 18 Điều 3 Luật GTĐB thì phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gồm xe ô tô, máy kéo, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự, kể cả xe cơ giới dùng cho người tàn tật.
Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải tuân thủ các quy định bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng các quy định của pháp luật.
Khi xảy ra thiệt hại, chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường (nếu không có thoả thuận khác). Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây:
- Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;
- Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết
Trong trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra nếu chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp không có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật (ví dụ: khi họ đã tuân thủ các quy định về bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng các quy định của pháp luật). Nếu chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp nguồn nguy hiểm cao độ, có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật (không tuân thủ hoặc tuân thủ không đầy đủ các quy định về bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo quy định của pháp luật) thì phải liên đới cùng với người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật nguồn nguy hiểm cao độ bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.
Đây là các trường hợp điển hình về trách nhiệm bồi thường thiệt hại không cần có lỗi. Tuy nhiên, không phải trong mọi trường hợp người chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ đều phải bồi thường thiệt hại. Khi thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết hoặc thiệt hại xảy ra do lỗi cố ý của người bị thiệt hại.
Ví dụ: Xe ô tô đang tham gia giao thông theo đúng quy định của pháp luật, thì bất ngờ có người lao vào xe để tự tử và hậu quả là người này bị thương nặng hoặc bị chết. Trong trường hợp này chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp xe ô tô đó không phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ (xe ô tô) gây ra.
Vì vậy để xác định ai là người có trách nhiệm bồi thường cần xác định rõ chủ thể đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại, từ đó xác định được mức bồi thường theo quy định.
Tin tức & Sự kiện
Thư viện pháp luật
Hoạt động của Luật Hà Đô