Những thay đổi lớn tại Bộ Luật lao động 2019
1. Hợp đồng lao động điện tử có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản: Hợp đồng lao động được giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản.
2. Hợp đồng lao động bằng lời nói: Hai bên có thể giao kết hợp đồng lao động (HĐLĐ) bằng lời nói đối với hợp đồng có thời hạn dưới 01 tháng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18, điểm a khoản 1 Điều 145 và khoản 1 Điều 162 của Bộ luật lao động 2019.
3. Thêm hành vi người sử dụng lao động (NSDLĐ) không được làm khi giao kết, thực hiện HĐLĐ
Bổ sung thêm hành vi: Buộc người lao động thực hiện HĐLĐ để trả nợ cho người sử dụng lao động.
4. Bỏ loại hợp đồng theo mùa vụ
Luật lao động 2019 bỏ loại hợp đồng theo mùa vụ.
5. Không áp dụng thử việc đối với hợp đồng lao động dưới 01 tháng
6. Bổ sung thêm trường hợp tạm hoãn HĐLĐ
Thêm 04 trường hợp NLĐ được tạm hoãn HĐLĐ sau đây:
- NLĐ thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ;
- NLĐ được bổ nhiệm làm người quản lý doanh nghiệp của công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm 100% vốn điều lệ.
- NLĐ được ủy quyền để thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
- NLĐ được ủy quyền để thực hiện quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với phần vốn của doanh nghiệp đầu tư tại doanh nghiệp khác.
7. Bổ sung quy định về những trường hợp được quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ mà không cần báo trước
Bộ Luật lao động 2019 quy định các trường hợp đặc biệt NLĐ không cần báo trước sau đây:
- Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này;
- Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 97 của Bộ luật này;
- Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động;
- Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
- Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo quy định tại khoản 1 Điều 138 của Bộ luật này;
- Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật này, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
- Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Bộ luật này làm ảnh hưởng đến việc thực hiện HĐLĐ.
8. Các trường hợp NSDLĐ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng không cần báo trước
- NLĐ không có mặt tại nơi làm việc trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn thực hiện HĐLĐ.
- NLĐ tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên.
9. Chính thức tăng tuổi nghỉ hưu từ năm 2021
Tuổi nghỉ hưu hiện tại của lao động nam là đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi; Theo Bộ Luật lao động 2019 tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
10. Quốc khánh mồng 02/09 được nghỉ 02 ngày
11. Tăng thời gian làm thêm đối đa theo tháng lên 40 giờ/tháng
12. Bổ sung quy định NLĐ được ủy quyền cho người khác nhận lương
NLĐ được ủy quyền cho người khác nhận lương trong trường hợp NLĐ không thể nhận lương trực tiếp. Tuy nhiên, người được ủy quyền có nhận được tiền lương của NLĐ hay không sẽ phụ thuộc vào 02 yếu tố:
- Việc ủy quyền phải hợp pháp;
- NSDLĐ đồng ý, bởi Luật quy định NSDLĐ “có thể” trả cho người được ủy quyền chứ không bắt buộc.
Nếu Quý khách hàng có vướng mắc hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác vui lòng liên hệ đến số hotline 1900 6280 hoặc qua email infor@hado-law.com để được Luật sư Công ty luật Hà Đô tư vấn trực tiếp.
Tin tức & Sự kiện
Thư viện pháp luật
Hoạt động của Luật Hà Đô