Công ty luật TNHH Hà Đô

Làm nhục người khác có tội không?

Theo thông tin của Dân trí, Ngày 16.9, trên một số trang mạng xã hội xuất hiện hình ảnh ghi lại cảnh hai người đàn ông khoảng hơn 50 tuổi bị thương tích, quần áo lấm lem ngồi trên đường. Đáng chú ý, hai người đàn ông này còn đeo một chiếc túi nilon đựng con gà chết trước ngực, mồm ngậm chân gà.Theo thông tin đăng tải kèm bức ảnh, sự việc trên xảy ra ở tỉnh Cao Bằng. Hai người đàn ông này có hành vi ăn cắp gà và bị bắt tại trận. Để trừng phạt, những người dân đã đánh đập và bắt hai người phải ngậm gà chết rồi quỳ giữa đường.

Xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác.

Đánh giá về hành vi này có thể thấy, việc người dân đánh đập và bắt hai người trộm đồ ngậm gà đồng thời quỳ giữa đường nhằm mục đích trừng phạt là hành vi trái pháp luật. Có dấu  hiệu về tội làm nhục người khác. Theo quy định tại Điều 121 bộ luật hình sự sửa đổi bổ sung 2009:

“1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:

a) Phạm tội nhiều lần;

b) Đối với nhiều người;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Đối với người thi hành công vụ;

đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”

Tuy nhiên, hành vi làm nhục người khác đến mức độ nào mới bị coi là tội phạm và phải chịu trách nhiệm hình sự. Làm nhục người khác là hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của con người. Người phạm tội phải là người có hành vi (bằng lời nói hoặc hành động) xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác như lăng mạ, chửi rủa thậm tệ, cạo đầu, cắt tóc, lột quần áo, quay clip... Để làm nhục người khác, người phạm tội có thể có những hành vi vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực như bắt trói, tra khảo, vật lộn, đấm đá hoặc khống chế, đe dọa, buộc người bị hại phải làm theo ý muốn của mình. Nếu hành vi làm nhục người khác cấu thành một tội độc lập thì tùy từng trường hợp cụ thể, người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác và tội tương ứng với hành vi đã thực hiện.

Trường hợp,cá nhân có hành vi đánh đập và gây thương tích cho hai đối tượng này có thể còn liên quan đến tội cố ý gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác( Điều 104 BLHS).

Do vậy, rõ ràng hành vi trừng trị kẻ trộm tài sản của người dân địa phương không đơn thuần là hành vi trừng trị, răn đe mà liên quan đến vấn đề pháp luật, bởi về bản chất, pháp luật nghiêm cấm mọi hành vi gây tổn hại đến sức khỏe, nhân phẩm, xâm phạm danh dự nhân phẩm của người khác. Đối với những người có liên quan đến vụ việc này có thể sẽ bị triệu tập lấy lời khai khi có sự can thiệp nhất định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về hành vi làm nhục người khác xét về sai phạm của người dân địa phương, còn sai phạm của 2 đối tượng có hành vi trộm cắp tài sản thì cơ quan sẽ trực tiếp điều tra, xác minh và căn cứ vào tính chất, giá trị trộm cắp qua mỗi lần thực hiện để làm căn cứ có khởi tố hai đối tượng về tội trộm cắp hay không.?

 

 

author

Về tác giả: Lê Minh Tuấn

Luật sư, Giám đốc / Lawyer, Director

Tư vấn thương mại quốc tế / International Trade Consultant

Điện thoại: (024) 730 86 999 / Mobi: 090 45 45 299

Email: infor@hado-law.com / Email: infor.ssv@gmail.com 

Đánh giá 9.8 / 10 bởi hơn 200 khách hàng lớn tại Việt Nam