Công ty luật TNHH Hà Đô

QUY ĐỊNH MỚI CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI LÀM VIỆC TẠI VIỆT NAM NĂM 2021

QUY ĐỊNH MỚI CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI LÀM VIỆC TẠI VIỆT NAM NĂM 2021

Hỏi: Chào Luật sư, tôi muốn nhờ Luật sư tư vấn giúp tôi vấn đề như sau: Công ty tôi có rất nhiều lao động là người nước ngoài. Năm 2021 có quy định mới về người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam không?

Rất mong nhận được sự tư vấn từ Luật sư. Tôi xin cảm ơn.

Cơ sở pháp lý:

- Bộ Luật Lao động 2019 (Có hiệu lực từ ngày 01/01/2021)

- Nghị định 152/2020/NĐ-CP quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam (Có hiệu lực từ ngày 15/02/2021)

Luật sư tư vấn:

Từ ngày 15/02/2021, Nghị định số 152/2020/NĐ-CP sẽ có hiệu lực thi hành. Trong Nghị định này có các quy định mới liên quan đến người lao động nước ngoài (NLĐNN) cần chú ý như sau:

1. Quy định về các khái niệm:

Tại Điều 3 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP có bổ sung thêm các khái niệm mà quy định hiện hành chưa đề cập đến:  

- Nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng là NLĐNN làm việc ít nhất 02 năm (24 tháng) trong một doanh nghiệp nước ngoài không có hiện diện thương mại tại Việt Nam và phải đáp ứng quy định đối với chuyên gia tại khoản 3 Điều này.

- NLĐNN làm việc theo hình thức chào bán dịch vụ là NLĐNN không sống tại Việt Nam và không nhận thù lao từ bất cứ nguồn nào tại Việt Nam, tham gia vào các hoạt động liên quan đến việc đại diện cho một nhà cung cấp dịch vụ để đàm phán tiêu thụ dịch vụ của nhà cung cấp đó, với điều kiện không được bán trực tiếp dịch vụ đó cho công chúng và không trực tiếp tham gia cung cấp dịch vụ.

So với Nghị định 11/2016/NĐ-CP, Điều 3 Nghị định 152/2020/NĐ-CP cũng đã bổ sung thêm trường hợp được xem là Chuyên gia và Lao động kỹ thuật là NLĐNN. Theo đó, các trường hợp được xem là Chuyên gia là NLĐNN  được bổ sung thêm trường hợp “Có ít nhất 5 năm kinh nghiệm và có chứng chỉ hành nghề phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam” và bỏ trường hợp “Có văn bản xác nhận là chuyên gia của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại nước ngoài”.

Còn Lao động kỹ thuật là NLĐNN được mở rộng thêm quy định: Có ít nhất 5 năm kinh nghiệm làm công việc phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam.

Ngoài ra, Nghị định mới còn điều chỉnh nội dung quy định về NLĐNN di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp.

2. Quy định về các trường hợp NSDLĐ không phải thực hiện việc xác định nhu cầu sử dụng NLĐNN:

Nghị định mới đã thay đổi, bổ sung thêm các quy định về các trường hợp NSDLĐ không phải thực hiện việc xác định nhu cầu sử dụng NLĐNN, bao gồm:

– Trưởng văn phòng đại diện, dự án hoặc chịu trách nhiệm chính về hoạt động của tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam.

– Là chủ sở hữu hoặc thành viên góp vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn có giá trị góp vốn từ 3 tỷ đồng trở lên.

– Là Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc thành viên Hội đồng quản trị của công ty cổ phần có giá trị góp vốn từ 3 tỷ đồng trở lên.

– Vào Việt Nam làm việc tại vị trí nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật có thời gian làm việc dưới 30 ngày và không quá 03 lần trong 01 năm.

– Vào Việt Nam thực hiện thỏa thuận quốc tế mà cơ quan, tổ chức ở Trung ương, cấp tỉnh ký kết theo quy định của pháp luật.

– Học sinh, sinh viên đang học tập tại các trường, cơ sở đào tạo ở nước ngoài có thỏa thuận thực tập trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam; học viên thực tập, tập sự trên tàu biển Việt Nam.

– Thân nhân thành viên cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam.

– Có hộ chiếu công vụ vào làm việc cho cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội.

– Người chịu trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại.

Ngoài ra, Nghị định mới bỏ đi trường hợp “Là học sinh, sinh viên học tập tại Việt Nam nhưng NSDLĐ phải báo trước 07 ngày với cơ quan quản lý Nhà nước về lao động cấp tỉnh”.

3. Quy định về điều kiện, hồ sơ, trình tự gia hạn Giấy phép lao động:

 Nghị định 11/2016/NĐ-CP chưa đề cập đến vấn đề gia hạn Giấy phép lao động (GPLĐ) cho NLĐNN tại Việt Nam mà chỉ quy định về thủ tục cấp lại GPLĐ trong một số trường hợp.

Tuy nhiên, Nghị định 152/2020/NĐ-CP đã bổ sung thêm các quy định về gia hạn GPLĐ. Tại Điều 16 Nghị định này quy định điều kiện gia hạn GPLĐ như sau:

- Giấy phép lao động đã được cấp còn thời hạn ít nhất 05 ngày nhưng không quá 45 ngày;

- Được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận nhu cầu sử dụng NSDLĐ;

- Giấy tờ chứng minh NLĐNN tiếp tục làm việc cho NSDLĐ theo nội dung GPLĐ đã được cấp.

Xem thêm: Thủ tục xin giấy phép lao động cho người nước ngoài

4. Quy định về các trường hợp được miễn Giấy phép lao động tại Việt Nam:

Theo quy định tại các Điều 7,8 Nghị định 152/2020/NĐ-CP, các trường hợp không phải làm thủ tục xác nhận NLĐNN không thuộc diện cấp giấy phép lao động:

– Vào Việt Nam với thời hạn dưới 03 tháng để thực hiện chào bán dịch vụ;

– Là Luật sư nước ngoài đã được cấp Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam theo quy định của Luật Luật sư;

– Người nước ngoài kết hôn với người Việt Nam và sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam (Quy định mới của năm 2021);

– Chủ sở hữu hoặc thành viên góp vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn có giá trị góp vốn từ 3 tỷ đồng trở lên;

– Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc thành viên Hội đồng quản trị của công ty cổ phần có giá trị góp vốn từ 3 tỷ đồng trở lên;

– Vào Việt Nam làm việc tại vị trí nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật có thời gian làm việc dưới 30 ngày và không quá 03 lần trong 01 năm;

– Thân nhân thành viên cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam: Thân nhân thành viên cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam được phép làm việc tại Việt Nam theo quy định tại điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Tuy nhiên, các trường hợp này vẫn phải báo cáo với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi NLĐNN dự kiến làm việc.

5. Quy định về thu hồi Giấy phép lao động:

Bộ luật Lao động 2019 quy định về các trường hợp GPLĐ hết hiệu lực bổ sung thêm trường hợp Làm việc không đúng với nội dung trong GPLĐ đã được cấp.

Bên cạnh đó, Bộ luật này đã sửa đổi một số trường hợp khác như sau:

– Hợp đồng trong các lĩnh vực là cơ sở phát sinh GPLĐ hết thời hạn hoặc chấm dứt

– Doanh nghiệp, tổ chức, đối tác phía Việt Nam hoặc tổ chức nước ngoài tại Việt Nam sử dụng NLĐNN chấm dứt hoạt động.

Đồng thời quy định mới bỏ đi trường hợp Người lao động là công dân nước ngoài bị phạt tù giam, chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết, mất tích.

Ngoài ra, Nghị định 152/2020/NĐ-CP quy định thêm trường hợp bị thu hồi GPLĐ là Người lao động nước ngoài trong quá trình làm việc ở Việt Nam không thực hiện đúng pháp luật Việt Nam làm ảnh hưởng tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội (Khoản 3 Điều 20)

6. Quy định về đề nghị cấp lại và cấp Giấy phép lao động đối với một số trường hợp đặc biệt: Nghị định 152/2020/NĐ-CP đã quy định cụ thể Hồ sơ đề nghị cấp GPLĐ đối với một số trường hợp đặc biệt, bao gồm các trường hợp:

- NLĐNN đã được cấp GPLĐ, đang còn hiệu lực mà có nhu cầu làm việc cho NSDLĐ khác ở cùng vị trí công việc và cùng chức danh công việc ghi trong GPLĐ;

- NLĐNN đã được cấp GPLĐ và đang còn hiệu lực mà thay đổi vị trí công việc hoặc chức danh công việc hoặc hình thức làm việc ghi trong GPLĐ theo quy định của pháp luật nhưng không thay đổi NSDLĐ.

7. Quy định về thời gian giải quyết thủ tục, cấp giấy phép lao động được rút ngắn:

Theo Nghị định 152/2020/NĐ-CP thì trong thời hạn 05 ngày làm việc

8. Quy định về thời gian làm báo cáo và mẫu báo cáo sử dụng NLĐNN dành cho NSDLĐ:

Từ ngày 15/02/2021, việc báo cáo sử dụng NLĐNN sẽ được tiến hành theo thời gian nhất định, cụ thể:

– Trước ngày 05/7 và ngày 05/01 của năm sau, NSDLĐNN báo cáo 6 tháng đầu năm và hàng năm về tình hình sử dụng NLĐNN theo mẫu báo cáo mới (Mẫu số 07/PLI – Nghị định 152/2020/NĐ-CP).

– Trước ngày 15/7 và ngày 15/ 01 của năm sau hoặc đột xuất theo yêu cầu, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm báo cáo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về tình hình NLĐNN làm việc trên địa bàn theo Mẫu số 08/PLI – nghị định 152/2020/NĐ-CP.

Lưu ý: Ý kiến tư vấn của Luật sư dựa trên pháp luật hiện hành. Văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài tư vấn nêu trên có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm tham khảo bài viết. Nếu bạn có vướng mắc hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác vui lòng liên hệ đến số hotline 1900 6280 hoặc qua email infor@hado-law.com để được Luật sư Công ty luật Hà Đô tư vấn trực tiếp.

author

Về tác giả: Lê Minh Tuấn

Luật sư, Giám đốc / Lawyer, Director

Tư vấn thương mại quốc tế / International Trade Consultant

Điện thoại: (024) 730 86 999 / Mobi: 090 45 45 299

Email: infor@hado-law.com / Email: infor.ssv@gmail.com 

Đánh giá 9.8 / 10 bởi hơn 200 khách hàng lớn tại Việt Nam