Câu hỏi:
Cho tôi hỏi những đối tượng nào được hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch COVID-19? Doanh nghiệp có được hỗ trợ hay không và chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp là gì?.
Trả lời:
Dịch Covid-19 đã và đang tác động đến nhiều mặt trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội; đời sống người dân gặp nhiều khó khăn; nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng làm gia tăng thất nghiệp, mất việc làm trong ngắn hạn và tình hình có thể phức tạp hơn nếu dịch bệnh kéo dài.
Nhằm chia sẻ khó khăn, bảo đảm cuộc sống của nhân dân, người lao động cả nước, góp phần ổn định xã hội, Chính phủ đã ban hành một số biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Theo đó, 7 nhóm đối tượng gặp khó khăn được chú trọng hỗ trợ theo Nghị Quyết 42/NQ-CP của Chính phủ ngày 09/04/2020 bao gồm:
1. Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 01 tháng trở lên do các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương thì được hỗ trợ với mức 1.800.000 đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ theo thời gian thực tế tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch, tính từ ngày 01 tháng 4 năm 2020 và không quá 3 tháng.
2. Người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính và đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động theo Khoản 3 Điều 98 của Bộ luật lao động trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 thì được vay không có tài sản đảm bảo tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng đối với từng người lao động theo thời gian trả lương thực tế nhưng không quá 3 tháng với lãi suất 0%, thời hạn vay tối đa 12 tháng tại Ngân hàng Chính sách xã hội để trả phần lương còn lại và giải ngân trực tiếp hàng tháng đến người bị ngừng việc.
3. Hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ ngày 01 tháng 4 năm 2020 được hỗ trợ 1.000.000 đồng/hộ/tháng theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng không quá 3 tháng.
4. Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm được hỗ trợ 1.000.000 đồng/người/tháng theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng tối đa không quá 3 tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020.
5. Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng được hỗ trợ thêm 500.000 đồng/người/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 và được chi trả một lần.
6. Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng được hỗ trợ thêm 500.000 đồng/người/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 và được chi trả một lần.
7. Hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia trong danh sách đến ngày 31 tháng 12 năm 2019 được hỗ trợ 250.000 đồng/khẩu/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 và được chi trả một lần.
Bên cạnh các nhóm đối tượng được hỗ trợ kể trên, Chính phủ còn đưa ra một số chính sách hỗ trợ khác như: Chính sách tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất cho người sử dụng lao động và người lao động; Chính sách trong thủ tục gửi hồ sơ, tài liệu đến cơ quan nhà nước dưới hình thức gián tiếp (gửi thư điện tử, fax, qua đường bưu điện...).
Để cụ thể hóa cho việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 có hiệu lực từ ngày 01/04/2019. Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 08/04/2020 về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh trong nhiều ngành nghề khác nhau trong việc nộp các loại thuế như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất.
Cùng với các quy định của Chính phủ, các bộ ngành đều đưa ra những chính sách cụ thể để hỗ trợ cho các đối tượng gặp khó khăn, trong đó có các doanh nghiệp. Chẳng hạn như: Bộ Công thương có chính sách giảm 10% giá bán lẻ điện cho các ngành sản xuất và kinh doanh (Công văn 2698/BCT-ĐTĐL ngày 16/4/2020); Chính sách hỗ trợ về thuế (Công văn 897/TCT-QLN ngày 03/3/2020 của Tổng Cục thuế); Bảo hiểm Xã hội Việt Nam có chính sách tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất (Công văn 860/BHXH-BT ngày 17/3/2020); Tổng liên đoàn lao động Việt Nam có chính sách lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn (Công văn 245/TLĐ ngày 18/3/2020); Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành chính sách miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ của tổ chức tín dụng (Thông tư 01/2020/TT-NHNN); Chính sách giảm 50% lệ phí nộp đơn sở hữu công nghiệp (Thông tư 45/2020/TT-BTC quy định về mức thu, nộp phí đăng ký (xác nhận) sử dụng mã số mã vạch nước ngoài và lệ phí sở hữu công nghiệp do Bộ Tài chính ban hành…
Như vậy, cùng với người dân lao động, các chủ thể kinh doanh như doanh nghiệp, hộ kinh doanh cũng nhận được sự hỗ trợ theo các quy định trên. Cụ thể, doanh nghiệp với tư cách là người sử dụng lao động được hỗ trợ vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động. Hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng phải tạm ngừng kinh doanh được hỗ trợ tiền với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng và không quá 03 tháng.
Thực tế, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải đóng cửa, tạm ngừng hoạt động và phải làm thủ tục đăng ký tạm ngừng hoạt động tại cơ quan đăng ký kinh doanh. Theo thống kê của trang thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, trong 5 tháng đầu năm 2020, tổng số doanh nghiệp làm thủ tục tạm ngừng hoạt động là 26.184 tăng 6.363 doanh nghiệp so với 5 tháng đầu năm 2019 (tăng 32,1%). Trong khi đó, số doanh nghiệp thành lập mới lại giảm 5.674 doanh nghiệp so với 5 tháng đầu năm 2019. Bên cạnh các doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, nhiều doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng, hoặc thay đổi đăng ký kinh doanh (như thay đổi ngành, nghề kinh doanh; thay đổi thành viên công ty; thay đổi tỷ lệ vốn góp…), hoặc phải giải thể hoặc phải tổ chức lại hay chuyển đổi loại hình doanh nghiệp để phù hợp với tình hình mới.
Những chính sách hỗ trợ của Chính phủ như trên nhìn chung là phù hợp và phần nào khắc phục được những khó khăn cho người dân và các doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ trên như thế nào cho hiệu quả, kịp thời, đúng đối tượng là vấn đề đang được các đối tượng người dân và doanh nghiệp quan tâm. Thiết thấy, bên cạnh việc chủ động áp dụng các quy định, chính sách hỗ trợ của các cơ quan nhà nước, song thiếu sót và nhầm lẫn trong quá trình triển khai các chính sách là không tránh khỏi. Bởi vậy, bản thân người dân và doanh nghiệp cần chủ động cập nhật các thông tin, các văn bản quy định về các chính sách này để đề xuất nhận hỗ trợ và tự bảo vệ quyền lợi của mình.
Tin tức & Sự kiện
Thư viện pháp luật
Hoạt động của Luật Hà Đô