Công ty luật TNHH Hà Đô

Luật Doanh nghiệp và câu chuyện “hoan nghênh sự thất bại”

Luật Doanh nghiệp và câu chuyện “hoan nghênh sự thất bại”

Sáng 26-11, với tỷ lệ 85,51% đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) bao gồm 10 chương, 213 điều, quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân (gọi chung là doanh nghiệp); quy định về nhóm công ty; trình tự đăng ký doanh nghiệp; nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; tài sản góp vốn…

Luật doanh nghiệp (sửa đổi) có nhiều điểm mới tích cực

Điểm mới của Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) là bãi bỏ đề nghị doanh nghiệp cung cấp mã ngành khi thực hiện đăng ký kinh doanh. Theo đó, doanh nghiệp không bị hạn chế số lượng ngành nghề hoạt động kinh doanh.

Cũng theo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) trên, doanh nghiệp sẽ được gia quyền để tự chủ hơn về con dấu. Trước đó, vấn đề con dấu của doanh nghiệp (Điều 44) vẫn có ý kiến đề nghị nghiên cứu thêm để phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành về quản lý và sử dụng con dấu cũng như có biện pháp bảo đảm con dấu có giá trị pháp lý và không bị giả mạo.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cho biết: Doanh nghiệp có quyền tự chủ quyết định về hình thức, nội dung và việc quản lý, sử dụng con dấu; đồng thời, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Khi tham gia các hoạt động kinh doanh, bên đối tác đương nhiên có các biện pháp kiểm tra toàn diện về doanh nghiệp, kể cả tính xác thực của con dấu để hai bên có thể tin tưởng, ký kết, thực hiện giao dịch.

Bên cạnh đó, nội dung Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) mới được thông qua cũng đã có những điều chỉnh trong khái niệm “doanh nghiệp nhà nước”.  Theo đó, thay vì quy định doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ như tại dự thảo trước thì theo Luật mới, doanh nghiệp nhà nước phải là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

Đánh giá về sự thay đổi này, trao đổi với phóng viên ANTT.VN, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết:

“Thay đổi trên sẽ tạo ra một khuôn khổ pháp lý, bảo vệ một cách công bằng, đầy đủ với các nhà đầu tư trong những doanh nghiệp có vốn nhà nước. Bởi vì, trước đây, chúng ta coi doanh nghiệp có tỷ lệ vốn điều lệ do Nhà nước nắm giữ từ trên 50% cho đến dưới 100% đều là doanh nghiệp nhà nước nên áp đặt tất cả những quy định, cơ chế, cách thức quản lý mang tính nhà nước vào đó. Nhưng hiện nay, theo Luật doanh nghiệp (sửa đổi) mới được thông qua, những doanh nghiệp đó được gọi là doanh nghiệp có vốn nhà nước và được áp dụng hoàn toàn những nguyên tắc, quy định giống như những doanh nghiệp ở bên ngoài, không có vốn nhà nước.

Ngoài việc đảm bảo, bảo vệ tốt hơn quyền sở hữu và lợi ích của các nhà đầu tư bên ngoài thì đồng thời với đó, Luật sẽ tạo nên sự công bằng, sự bình đẳng giữa các nhà đầu tư. Với cách như vậy, có thể hi vọng rằng những nguyên tắc thực hiện tốt về quản trị công ty sẽ được áp dụng một cách đầy đủ hiệu lực hơn, dễ dàng hơn trong những doanh nghiệp không phải là 100% vốn nhà nước. Từ đó, tạo điều kiện để việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước nhiều hơn, nhanh hơn.

Ngoài ra, xét về mặt tổng thể, trọng tâm Luật doanh nghiệp (sửa đổi) lần này đặt ra ở chỗ: Luật mở rộng thêm, tăng thêm quyền tự do kinh doanh của Pháp luật, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của các nhà đầu tư; đồng thời, tạo cho doanh nghiệp một sự linh hoạt hơn, chủ động hơn trong quản lý, quản trị công ty, tổ chức hoạt động kinh doanh; qua đó, giảm thiểu rủi ro, giảm chi phí hoạt động kinh doanh và tất cả những điều đó có thể giúp trình độ quản lý kinh tế thị trường ở nước ta nâng lên một bước”.

Câu chuyện về khẩu hiệu: “Chúng tôi hoan nghênh sự thất bại” ở xứ người

Đánh giá về những điểm tích cực mà Luật đã thực hiện được, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương bổ sung thêm, việc dự án Luật vừa được thông qua quy định không ghi ngành, nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận nhiều khả năng sẽ làm cho nội dung “kinh doanh trái phép” trong Bộ luật hình sự sẽ cần phải được hiệu chỉnh bởi vì bây giờ doanh nghiệp có quyền được tự do kinh doanh, miễn là phù hợp theo Pháp luật chứ không còn là “trái phép” như theo viện dẫn ở những thông
tư, văn bản được các Bộ, ban, ngành quy định để “bắt tội” doanh nghiệp nữa.

TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương

Việc doanh nghiệp được phép tự quyết định về con dấu như theo quy định trong Luật sửa đổi lần này sẽ giúp cho doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, chi phí đáng kể so với những thủ tục phiền hà, tốn kém và thực sự không còn phù hợp như trước kia.

Ngoài ra, các ngành nghề cấm kinh doanh cũng đã được quy định rất tường minh và về mặt chi tiết cũng có rất nhiều nội dung được tiến bộ.

“Tôi hi vọng, sắp tới đây, Luật doanh nghiệp này sẽ có tác động tích cực đến việc các doanh nghiệp mới được thành lập sẽ được tăng lên, các doanh nghiệp đã đăng kí rồi cũng có thể mở rộng hoạt động kinh doanh, điều chỉnh cơ cấu kinh doanh để cho hoạt động kinh doanh được tốt hơn”, ông nói.

Trong cuộc trao đổi, vị chuyên gia này cũng đã chia sẻ với phóng viên một chi tiết rất thú vị:

“So với Hong Kong hay Israel thì tỷ lệ doanh nghiệp trên đầu người của Việt Nam là rất thấp. Bởi họ  có một khẩu hiệu, đó là Chúng tôi hoan nghênh sự thất bại, vì thế, dân chúng ở đó có một quan niệm về mặt tâm lý, có một thái độ hết sức tích cực, hoanh nghênh mọi người đầu tư, xây dựng doanh nghiệp và ở những nước đó, thông thường, một sinh viên đại học năm thứ 2 đã tiến hành đầu tư, gây dựng doanh nghiệp rồi. Theo tính toán, cứ một người trưởng thành ở Hong Kong thì đã sở hữu 1,5 công ty và việc một nhân viên ngân hàng bình thường nhưng vẫn đầu tư thêm một doanh nghiệp về mặt quảng cáo hoặc IT gì đấy là một điều không hề lạ ở đây.

Tôi thấy rất khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam làm việc một cách mạnh dạn, hăng hái và có tinh thần kinh doanh. Bởi lẽ, một đất nước có mạnh là phải nhờ vào có nhiều doanh nghiệp mạnh chứ không phải là một đất nước có nhiều quan chức, có nhiều cơ quan hành chính!”.

(Theo An Ninh Tiền Tệ)

author

Về tác giả: Lê Minh Tuấn

Luật sư, Giám đốc / Lawyer, Director

Tư vấn thương mại quốc tế / International Trade Consultant

Điện thoại: (024) 730 86 999 / Mobi: 090 45 45 299

Email: infor@hado-law.com / Email: infor.ssv@gmail.com 

Đánh giá 9.8 / 10 bởi hơn 200 khách hàng lớn tại Việt Nam