Công ty luật TNHH Hà Đô

ĐĂNG KÝ KHAI SINH CHO CON TẠI NƠI BỐ MẸ TẠM TRÚ

ĐĂNG KÝ KHAI SINH CHO CON TẠI NƠI BỐ MẸ TẠM TRÚ?

Câu hỏi: Vợ chồng em hiện tại đang làm việc và sinh sống ở Hà Nội nhưng Hộ khẩu ở quê và mới đây vợ em sinh bé thứ hai ở Hà Nội. Do điều kiện công việc và kinh tế nên không thể về quê làm giấy khai sinh cho con được. Cho em hỏi là em có thể làm giấy khai sinh tại nơi tạm trú được không?

Trả lời: Luật Hà Đô cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về cho chúng tôi, với những thông tin mà bạn cung cấp, chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau:

1. Cơ sở pháp lý

- Luật Hộ tịch 2014;

- Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật hộ tịch;

- Luật cư trú năm 2020.

2. Trách nhiệm đăng ký khai sinh

Căn cứ Điều 15 Luật Hộ tịch 2014, thì trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ, ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ trong trường hợp cha mẹ không thể khai sinh cho con có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ.

Những người nêu trên có trách nhiệm phải đăng ký khai sinh cho trẻ, ngoài ra trường hợp vợ chồng bạn không thể đi khai sinh cho con mình thì có thể ủy quyền cho người khác đăng ký khai sinh thay (ủy quyền bằng văn bản).

3. Thẩm quyền đăng ký khai sinh

Căn cứ tại Điều 13 Luật Hộ tịch 2014 thì thẩm quyền đăng ký khai sinh thuộc UBND cấp xã nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ thực hiện đăng ký khai sinh.

Mặt khác, căn cứ Điều 11 Luật Cư trú 2020 thì nơi cư trú của công dân bao gồm nơi thường trú, nơi tạm trú. Trường hợp không xác định được nơi thường trú, nơi tạm trú thì nơi cư trú của công dân là nơi ở hiện tại công dân đang thực tế sinh sống.

Như vậy, trường hợp của vợ chồng bạn có thể thực hiện thủ tục khai sinh cho con tại UBND cấp xã nợi vợ chồng bạn đang tạm trú ở Hà Nội.

4. Thời hạn giải quyết:

Theo quy định thủ tục được giải quyết trong ngày, trường hợp tiếp nhận sau 15 giờ thì trả kết quả trong ngày làm việc tiếp theo.

5. Hồ sơ, thủ tục đăng ký khai sinh tại nơi tạm trú

  • Căn cứ Điều 9 Nghị định 123/2015/NĐ-CP thì hồ sơ bao gồm:

-       Giấy tờ phải xuất trình:

+  Hộ chiếu/CMND/thẻ CCCD hoặc các giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh nhân thân của người yêu cầu.

+ Sổ tạm trú, hoặc giấy tờ khác theo hướng dẫn.

Trường hợp cha, mẹ của trẻ đã đăng ký kết hôn thì phải xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn.

Trường hợp gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính thì phải gửi kèm theo bản sao có chứng thực các giấy tờ phải xuất trình nêu trên.

-       Giấy tờ phải nộp:

+ Tờ khai đăng ký khai sinh theo mẫu.

+ Bản chính Giấy chứng sinh/Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh; trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập; trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật.

  • Trình tự thủ tục:

Căn cứ Điều 16 Luật Hộ tịch 2014 thì thủ tục đăng ký khai sinh tại UBND cấp xã như sau:

- Người có yêu cầu đăng ký khai sinh nộp hồ sơ tại UBND cấp xã nơi cha hoặc mẹ, hoặc nơi cả cha và mẹ tạm trú.

- Người tiếp nhận có trách nhiệm kiểm tra ngay toàn bộ hồ sơ, đối chiếu thông tin trong Tờ khai và tính hợp lệ của giấy tờ trong hồ sơ do người yêu cầu nộp, xuất trình.

- Kết quả: Nếu hồ sơ hợp lệ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh.

Trên đây là ý kiến tư vấn của Luật Hà Đô, nếu còn vấn đề gì chưa nắm rõ hoặc cần hỗ trợ thủ tục pháp lý bạn có thể liên hệ trực tiếp qua tổng đài 19006280 để được tư vấn miễn phí.

author

Về tác giả: Lê Minh Tuấn

Luật sư, Giám đốc / Lawyer, Director

Tư vấn thương mại quốc tế / International Trade Consultant

Điện thoại: (024) 730 86 999 / Mobi: 090 45 45 299

Email: infor@hado-law.com / Email: infor.ssv@gmail.com 

Đánh giá 9.8 / 10 bởi hơn 200 khách hàng lớn tại Việt Nam