Công ty luật TNHH Hà Đô

Bỏ trốn khi không có khả năng trả nợ

Câu hỏi:

Tôi cho cô T vay số tiền 350 triệu, lãi suất là 0,8%/tháng, có viết giấy tờ vay tiền. Cô T trả lãi cho tôi trong vòng 9 tháng thì cô T bị vỡ nợ và bỏ đi khỏi địa phương. Tôi không đòi được nợ nên định làm đơn khởi kiện, gia đình cô T gọi cô T về. Cô T đồng ý bán nhà trả nợ nhưng số nợ quá lớn vì cô T còn vay của nhiều người khác với lãi suất khác nhau. Vậy trong trường hợp này cô T có phạm tội chiếm đoạt tài sản không, có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Lãi suất cho vay của tôi có cao không? Tôi xin chân thành cảm ơn!

Trả lời:

1. Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cô T

Theo thông tin bạn cung cấp, cô T có những hành vi sau: (i) Vay tiền của bạn với lãi suất 0,8%/tháng. Mục đích vay làm gì thì bạn không nói đến; (ii) Sau khi không có khả năng trả nợ thì cô T bỏ trốn khỏi địa phương, có thể nhằm mục đích trốn nợ.

Những hành vi của cô T có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Điều 139 Bộ luật Hình sự quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau: Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Điều 140 Bộ luật Hình sự quy định về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản như sau: Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ bốn triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới bốn triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:

- Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;

- Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

Tuy nhiên, cô T có phạm tội hay không, có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không thì phải do các cơ quan tiến hành tố tụng (cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án) quyết định dựa trên các chứng cứ và quy định pháp luật có liên quan. Để được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bạn có thể gửi đơn khởi kiện đến cơ quan có thẩm quyền và cung cấp các bằng chứng xác thực góp phần giải quyết vụ việc.

2. Lãi suất cho vay giữa bạn và cô T

Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Điều 476 Bộ luật Dân sự quy định về lãi suất cho vay như sau:

- Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng.

- Trong trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ.

Vậy, bạn có thể tìm hiểu về lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm cho vay để xác định xem lãi suất cho vay giữa bạn và cô T có phù hợp với quy định của pháp luật hay không.

author

Về tác giả: Lê Minh Tuấn

Luật sư, Giám đốc / Lawyer, Director

Tư vấn thương mại quốc tế / International Trade Consultant

Điện thoại: (024) 730 86 999 / Mobi: 090 45 45 299

Email: infor@hado-law.com / Email: infor.ssv@gmail.com 

Đánh giá 9.8 / 10 bởi hơn 200 khách hàng lớn tại Việt Nam