Công ty luật TNHH Hà Đô

Thông tư 13/2013/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành ngày 14/06/2013

Thông tư 13/2013/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành ngày 14/06/2013 về việc quy hoạch phân kênh tần số cho nghiệp vụ cố định và di động mặt đất băng tần (30-30 000) MHz

BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
——-

Số: 13/2013/TT-BTTTT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Hà Nội, ngày 14 tháng 06 năm 2013

 

 THÔNG TƯ

VỀ QUY HOẠCH PHÂN KÊNH TẦN SỐ CHO NGHIỆP VỤ CỐ ĐỊNH

VÀ DI ĐỘNG MẶT ĐẤT BĂNG TẦN (30-30 000)MHz

 

 

Căn cứ Luật Tần số vô tuyến điện ngày 23 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 187/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông, đã được sửa đổi bởi Nghị định số 50/2011/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2011 của Chính phủ;

Căn cứ Quyết định số 125/2009/QĐ-TTg ngày 23 tháng 10 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Quy hoạch Phổ tần số vô tuyến điện quốc gia;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện;

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư về Quy hoạch phân kênh tần số cho nghiệp vụ cố định và di động mặt đất băng tần (30-30 000)MHz,

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy hoạch phân kênh tần số cho nghiệp vụ cố định và nghiệp vụ di động mặt đất băng tần (30-30 000)MHz (trừ các hệ thống thông tin di động tế bào có quy hoạch riêng) kèm theo các điều kiện sử dụng kênh tần số bao gồm:

a) Quy hoạch phân kênh tần số cho nghiệp vụ cố định và nghiệp vụ di động mặt đất băng tần (30-1000)MHz tại Phụ lục 1;

b) Quy hoạch phân kênh tần số cho nghiệp vụ cố định và nghiệp vụ di động mặt đất băng tần (1000-30 000)MHz tại Phụ lục 2.

2. Thông tư này áp dụng đối với những đối tượng sau:

a) Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh để sử dụng tại Việt Nam thiết bị vô tuyến điện thuộc nghiệp vụ cố định và nghiệp vụ di động mặt đất băng tần (30-30 000)MHz;

b) Tổ chức, cá nhân sử dụng tần số, thiết bị vô tuyến điện thuộc nghiệp vụ cố định và nghiệp vụ di động mặt đất băng tần (30-30 000)MHz tại Việt Nam.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Kênh tần số vô tuyến điện (sau đây gọi tắt là kênh) là dải tần số vô tuyến điện được xác định bằng độ rộng và tần số trung tâm của kênh hoặc các thông số đặc trưng khác.

2. Nghiệp vụ Di động mặt đất là nghiệp vụ thông tin vô tuyến điện giữa các đài vô tuyến điện gốc và các đài vô tuyến điện di động mặt đất, hoặc giữa các đài vô tuyến điện di động mặt đất với nhau.

3. Nghiệp vụ Cố định là nghiệp vụ thông tin vô tuyến giữa các điểm cố định đã xác định trước.

4. Truyền dẫn một tần số là phương thức hoạt động mà hai đài vô tuyến điện có thể truyền dẫn theo một hoặc hai chiều, nhưng không đồng thời theo hai chiều và chỉ sử dụng một kênh tần số.

5. Truyền dẫn hai tần số là phương thức hoạt động mà các truyền dẫn giữa hai đài vô tuyến điện sử dụng hai kênh tần số.

6. Đơn công là phương thức khai thác mà truyền dẫn được thực hiện trên một kênh thông tin lần lượt theo mỗi chiều.

7. Song công là phương thức khai thác mà truyền dẫn được thực hiện đồng thời theo hai chiều của một kênh thông tin.

8. Bán song công là phương thức khai thác mà đơn công tại một đầu cuối của kênh và song công tại đầu cuối kia.

9. Hệ thống vi ba là hệ thống thông tin vô tuyến thuộc nghiệp vụ cố định khai thác trong dải tần trên 30MHz, sử dụng truyền lan tầng đối lưu và thông thường bao gồm một hoặc nhiều đài vô tuyến điện chuyển tiếp.

10. Liên lạc điểm-điểm (áp dụng cho vi ba) là tuyến liên lạc giữa hai đài vô tuyến điện đặt tại hai điểm cố định xác định.

11. Liên lạc điểm-đa điểm (áp dụng cho vi ba) là các tuyến liên lạc giữa một đài vô tuyến điện đặt tại một điểm cố định và một số đài vô tuyến điện đặt tại các điểm cố định xác định.

12. Phân kênh là việc sắp xếp các kênh trong cùng một đoạn băng tần.

13. Phân kênh chính là phân kênh được xác định bằng các tham số cơ bản bao gồm tần số trung tâm, khoảng cách giữa hai kênh lân cận, khoảng cách tần số thu phát.

14. Phân kênh xen kẽ là phân thêm các kênh xen kẽ giữa các kênh chính, các tần số trung tâm của các kênh xen kẽ được tính lệch đi một nửa khoảng cách giữa hai kênh lân cận so với các tần số trung tâm của các kênh tần số chính.

15. Cự ly truyền dẫn tối thiểu (áp dụng cho vi ba) là khoảng cách truyền dẫn nhỏ nhất mà một tuyến viba được khuyến nghị sử dụng trong phân kênh tương ứng.

Điều 3. Mục tiêu quy hoạch

1. Thiết lập trật tự sử dụng kênh, thống nhất tiêu chuẩn cho các hệ thống thông tin vô tuyến điện, hạn chế nhiễu có hại giữa các thiết bị, hệ thống và giữa các mạng, đồng thời theo kịp sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin vô tuyến điện hiện đại trên thế giới.

2. Định hướng cho người sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng trong việc sản xuất, nhập khẩu và đầu tư thiết bị, giúp cho cơ quan quản lý sắp xếp trật tự sử dụng phổ tần và quản lý phổ tần hiệu quả, hợp lý.

3. Phát triển mạng thông tin vô tuyến điện theo hướng hiện đại, đồng bộ và ổn định lâu dài, phù hợp với xu hướng phát triển của quốc tế, đáp ứng các nhu cầu về thông tin phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng và an ninh.

Điều 4. Nguyên tắc quy hoạch

1. Tuân theo quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đang có hiệu lực thi hành.

2. Trên cơ sở các khuyến nghị phân kênh của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), và các Tổ chức viễn thông khu vực.

3. Tính đến những đặc thù sử dụng phổ tần số vô tuyến điện của Việt Nam hiện nay, đảm bảo việc chuyển đổi từ hiện trạng sang quy hoạch với chi phí ít nhất.

4. Đảm bảo quản lý, khai thác và sử dụng tần số vô tuyến điện hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm và đúng mục đích.

5. Đáp ứng nhu cầu sử dụng kênh trong những năm tới và khả năng đưa vào sử dụng các công nghệ mới.

6. Linh hoạt khi ấn định tần số.

Điều 5. Tổ chức thực hiện

1. Cục Tần số vô tuyến điện chịu trách nhiệm phổ biến, hướng dẫn triển khai Thông tư này; phối hợp với các cơ quan có liên quan của các Bộ, Ngành để phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.

2. Các hệ thống vô tuyến điện thuộc nghiệp vụ cố định và di động mặt đất băng tần (30-30000)MHz đã được phép hoạt động nhưng không còn phù hợp với Thông tư này phải có kế hoạch chuyển đổi trong thời hạn tối đa là 07 năm, kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực, hoặc phải ngừng sử dụng nếu gây nhiễu có hại cho các hệ thống hoạt động đúng Quy hoạch. Riêng các hệ thống quy định tại các điểm 3.7, 3.8.2 Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này thực hiện các quy định về chuyển đổi theo quy định tại các điểm đó.

Điều 6. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2013 và thay thế Thông tư số 27/2009/TT-BTTTT ngày 03 tháng 08 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Quy hoạch kênh tần số vô tuyến điện của Việt Nam cho các nghiệp vụ cố định và lưu động mặt đất (30-30000)MHz.

2. Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, các tổ chức và cá nhân trong nước và nước ngoài tại Việt Nam sử dụng, sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thiết bị vô tuyến điện để sử dụng tại Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Bộ TT&TT: Bộ trưởng, các Thứ trưởng, các cơ quan, đơn vị trực thuộc, Cổng Thông tin điện tử;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương;
- Sở Thông tin và Truyền thông các Tỉnh, TP trực thuộc Trung ương;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Cổng Thông tin điện tử Chính phủ;
- Lưu: VT, CTS.

BỘ TRƯỞNG

Nguyễn Bắc Son

author

Về tác giả: Lê Minh Tuấn

Luật sư, Giám đốc / Lawyer, Director

Tư vấn thương mại quốc tế / International Trade Consultant

Điện thoại: (024) 730 86 999 / Mobi: 090 45 45 299

Email: infor@hado-law.com / Email: infor.ssv@gmail.com 

Đánh giá 9.8 / 10 bởi hơn 200 khách hàng lớn tại Việt Nam