THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ MỨC THU, CHẾ ĐỘ THU, NỘP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG LỆ PHÍ
CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN LIÊN QUAN
Căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ và Nghị định số 100/2006/NĐ-CP ngày 21/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật dân sự, Luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan;
Căn cứ Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 và Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06/3/2006 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 3/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Sau khi có ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền tác giả như sau:
I. QUY ĐỊNH CHUNG
Tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài khi được cơ quan quản lý nhà nước về bảo hộ quyền tác giả cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả và giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan đều phải nộp lệ phí theo quy định tại Thông tư này.
II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ
1. Mức thu lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền tác giả, quyền liên quan quy định như sau:
Stt |
Loại hình tác phẩm |
Mức thu |
I |
Đăng ký quyền tác giả |
|
1 |
a) Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác (gọi chung là loại hình tác phẩm viết); b) Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác; c) Tác phẩm báo chí; d) Tác phẩm âm nhạc; đ) Tác phẩm nhiếp ảnh. |
100.000 |
2 |
a) Tác phẩm kiến trúc; b) Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, công trình khoa học. |
300.000 |
3 |
a) Tác phẩm tạo hình; b) Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng. |
400.000 |
4 |
a) Tác phẩm điện ảnh; b) Tác phẩm sân khấu được định hình trên băng, đĩa. |
500.000 |
5 |
Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu hoặc các chương trình chạy trên máy tính |
600.000 |
II |
Đăng ký quyền liên quan |
|
1 |
Cuộc biểu diễn được định hình trên: a) Bản ghi âm; b) Bản ghi hình; c) Chương trình phát sóng. |
200.000 300.000 500.000 |
2 |
Bản ghi âm |
200.000 |
3 |
Bản ghi hình |
300.000 |
4 |
Chương trình phát sóng |
500.000 |
2. Mức thu quy định tại khoản 1 mục này áp dụng đối với việc cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan lần đầu. Trường hợp xin cấp lại thì phải nộp 50% mức thu lần đầu đối với từng loại tác phẩm tương ứng.
3. Cơ quan thu không phải hoàn trả lệ phí đối với những giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan bị thu hồi, hủy bỏ hiệu lực.
4. Cơ quan quản lý nhà nước về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan (Cục bản quyền tác giả) theo quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ thực hiện tổ chức thu lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền tác giả theo quy định tại Thông tư này (dưới đây gọi chung là cơ quan thu lệ phí) có trách nhiệm thực hiện đăng ký, kê khai, nộp lệ phí vào ngân sách nhà nước theo qui định tại Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002; Thông tư số 45/2006/TT-BTC ngày ngày 25/5/2006 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí, lệ phí và Thông tư số 60/2007/TT-BTC ngày 14/06/2007 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và hướng dẫn thi hành Nghị định số 85/2007 ngày 25/5/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế.
5. Cơ quan thu lệ phí được sử dụng số tiền trích để lại 70% trên tổng số tiền lệ phí thu được trước khi nộp vào ngân sách nhà nước để chi cho việc thực hiện công tác thu lệ phí theo các nội dung sau đây:
5.1. Chi thường xuyên phục vụ cho công tác tổ chức thu lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền tác giả và chi trích quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi cho cán bộ, nhân viên thực hiện thu lệ phí theo quy định tại Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 và Thông tư số 45/2006/TT-BTC ngày ngày 25/5/2006 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí, lệ phí.
5.2. Chi đặc thù:
a) In (hoặc mua) mẫu đơn, tờ khai, giấy chứng nhận và các hồ sơ liên quan trực tiếp đến việc thu lệ phí; in niêm giám đăng ký quyền tác giả và quyền liên quan;
b) Chi mua hồ sơ đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan;
c) Chi sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn tài sản, máy móc, thiết bị phục vụ công tác thu lệ phí;
d) Chi thuê trụ sở làm việc (nếu có);
đ) Chi lưu giữ, số hóa các dữ liệu đăng ký bản quyền tác giả, quyền liên quan;
e) Chi cho việc thiết lập, quản lý và tổ chức khai thác mạng lưới các cơ sở dữ liệu thông tin về quyền tác giả và quyền liên quan.
6. Tổng số tiền lệ phí thực thu được sau khi trừ số tiền được trích để lại theo tỷ lệ nêu tại khoản 5 mục này, số còn lại (30%) cơ quan thu lệ phí nộp vào ngân sách nhà nước (theo chương, loại, khoản, mục, tiểu mục tương ứng của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành). Toàn bộ số tiền được để lại (70%) cơ quan thu phải sử dụng đúng mục đích theo định mức chi và có chứng từ theo quy định. Hàng năm, cơ quan thu lệ phí thực hiện quyết toán việc sử dụng biên lai thu lệ phí; số tiền lệ phí thu được; số tiền lệ phí để lại cho đơn vị; số tiền lệ phí phải nộp ngân sách; số tiền lệ phí đã nộp và còn phải nộp ngân sách nhà nước với cơ quan thuế. Quyết toán việc sử dụng số tiền được trích để lại với cơ quan tài chính cùng cấp theo đúng quy định hiện hành.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký. Thông tư này thay thế Thông tư số 166/1998/TT-BTC ngày 19/12/1998 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu lệ phí đăng ký bản quyền tác giả.
2. Tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng phải nộp lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền tác giả và các cơ quan liên quan có trách nhiệm thực hiện đúng quy định tại Thông tư này.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ảnh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, hướng dẫn bổ sung./.
Tin tức & Sự kiện
Thư viện pháp luật
Hoạt động của Luật Hà Đô