Thông báo 890/TB-BNV của Bộ Nội vụ về việc tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 – 2020
BỘ NỘI VỤ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 890/TB-BNV |
Hà Nội, ngày 18 tháng 03 năm 2014 |
THÔNG BÁO
VỀ VIỆC TUYỂN CHỌN TRÍ THỨC TRẺ TÌNH
NGUYỆN VỀ CÁC XÃ THAM GIA PHÁT
TRIỂN NÔNG THÔN, MIỀN NÚI GIAI ĐOẠN
2013 – 2020
Thực hiện Quyết định số 1758/QĐ-TTg ngày 30/9/2013 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 216/QĐ-BNV ngày 13/3/2014 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc phân bổ số lượng trí thức trẻ tham gia Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 – 2020, Bộ Nội vụ thông báo tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện tham gia Đề án. Cụ thể như sau:
1. Số lượng tuyển chọn
Số lượng trí thức trẻ tình nguyện cần tuyển chọn là 500 người (sau đây gọi tắt là Đội viên) để bố trí làm công việc của công chức cấp xã theo số lượng và chức danh quy định tại Quyết định số 216/QĐ-BNV ngày 13/3/2014 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ (có phụ lục kèm theo).
2. Hình thức tuyển chọn
Việc tuyển chọn được thực hiện theo hình thức xét kết quả học tập và phỏng vấn trực tiếp ứng viên về kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của chức danh công chức cấp xã.
3. Tiêu chuẩn, điều kiện tuyển chọn
Ứng viên tham gia tuyển chọn làm Đội viên của Đề án là thanh niên có quốc tịch Việt Nam, đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện sau đây:
a) Có tuổi đời dưới 30 tuổi tính đến tháng 5/2014.
b) Có trình độ đại học trở lên thuộc các chuyên ngành phù hợp với yêu cầu chuyên môn đối với từng chức danh công chức cấp xã. Cụ thể:
+ Chức danh Văn phòng – thống kê tốt nghiệp một trong các chuyên ngành: Pháp luật, thống kê, toán học, công nghệ thông tin, quản trị văn phòng, lưu trữ học, triết học, văn học, tổ chức và nhân sự, quản lý công của các trường đại học chuyên ngành trong và ngoài nước.
+ Địa chính – nông nghiệp – xây dựng và môi trường tốt nghiệp một trong các chuyên ngành: Quản lý đất đai (địa chính), nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, xây dựng, quản lý xây dựng, kiến trúc và quy hoạch, giao thông, khoa học môi trường; quản lý đô thị, nông thôn của các trường đại học chuyên ngành trong và ngoài nước.
+ Tài chính – kế toán tốt nghiệp một trong các chuyên ngành: Tài chính, kế toán, kiểm toán, ngân hàng, kinh tế, quản trị kinh doanh, quản lý kinh tế của các trường đại học chuyên ngành trong và ngoài nước.
+ Tư pháp – hộ tịch tốt nghiệp một trong các chuyên ngành: pháp luật, an ninh, quốc phòng, thanh tra của các trường đại học chuyên ngành trong và ngoài nước.
+ Văn hóa – xã hội tốt nghiệp một trong các chuyên ngành: Văn hóa Việt Nam, quản lý văn hóa, quản lý xã hội; xã hội học, công tác xã hội, lao động xã hội, quản lý lao động, bảo hiểm, thể dục – thể thao của các trường đại học chuyên ngành trong và ngoài nước.
c) Có phẩm chất đạo đức tốt, lý lịch gia đình rõ ràng;
d) Có sức khỏe tốt và có khả năng đào tạo, bồi dưỡng để tạo nguồn cán bộ công chức các địa phương;
đ) Có đơn tình nguyện đến công tác tại các xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc và miền núi trong thời gian tối thiểu 5 năm (đủ 60 tháng).
Ưu tiên tuyển chọn đối với ứng viên là người có hộ khẩu thường trú tại tỉnh nơi tình nguyện đến công tác từ 03 năm (36 tháng) trở lên; người dân tộc thiểu số; con liệt sĩ, con thương binh, con của người được hưởng chính sách như thương binh; người hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ phục vụ có thời hạn trong lực lượng công an nhân dân, đội viên thanh niên xung phong; người có trình độ Thạc sĩ phù hợp với chuyên ngành cần tuyển chọn.
Trường hợp ứng viên thuộc nhiều diện ưu tiên thì chỉ được cộng điểm ưu tiên cao nhất vào kết quả xét tuyển.
4. Hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn
a) Thành phần hồ sơ gồm:
- Đơn tình nguyện tham gia Đề án (có mẫu Đơn kèm theo).
- Sơ yếu lý lịch của ứng viên tình nguyện tham gia Đề án có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú (có mẫu Sơ yếu lý lịch kèm theo).
- Các văn bằng, chứng chỉ có liên quan (bản sao có công chứng).
- Bản nhận xét của cơ quan, đơn vị về tinh thần, thái độ và kết quả công việc đối với ứng viên đã có thời gian làm việc ở các cơ quan, tổ chức khác trước khi đăng ký tham gia Đề án (nếu có).
- Giấy khám sức khỏe của cơ quan y tế từ cấp huyện trở lên.
- Ứng viên đăng ký tham gia Đề án có thể lấy mẫu đơn và sơ yếu lý lịch tại các địa chỉ sau:
+ Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ (chinhphu.vn).
+ Trang thông tin Dự án 600 Phó Chủ tịch xã Bộ Nội vụ (duan600.vn).
+ Vụ Công tác thanh niên, Bộ Nội vụ; địa chỉ số 8 Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy, Hà Nội.
+ Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Phòng Công tác thanh niên).
+ Phòng Nội vụ cấp huyện (chuyên viên làm Công tác thanh niên).
b) Địa điểm và thời gian nhận hồ sơ:
- Hồ sơ của ứng viên đăng ký tham gia Đề án được lập thành 02 bộ, 01 bộ gửi về Vụ Công tác thanh niên, Bộ Nội vụ và 01 bộ gửi về Sở Nội vụ của tỉnh nơi tình nguyện đến công tác để tổng hợp và tổ chức tuyển chọn.
- Thời gian nhận hồ sơ bắt đầu từ ngày 15/4/2014.
5. Tổ chức tuyển chọn
a) Thẩm quyền tuyển chọn
Ủy ban nhân dân các tỉnh tổ chức tuyển chọn theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Quyết định số 1152/QĐ-BNV ngày 22/10/2013 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án thí điểm tuyển chọn 500 trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn2013 – 2020.
b) Thời gian tuyển chọn bắt đầu từ tháng 5/2014 theo lộ trình thực hiện Đề án và hướng dẫn của Ban Quản lý Dự án 600 Phó Chủ tịch xã Bộ Nội vụ.
Bộ Nội vụ đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đăng tải nội dung thông báo này trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương để trí thức trẻ biết, đăng ký tham gia Đề án./.
Nơi nhận: - Thủ tướng Chính phủ (để b/c); |
KT. BỘ TRƯỞNG Nguyễn Tiến Dĩnh
|
Tin tức & Sự kiện
Thư viện pháp luật
Hoạt động của Luật Hà Đô